Tôi đọc Tình cuồng lần đầu tiên vào năm mười bảy tuổi, nghĩa là cùng độ tuổi khi Raymond Radiguet viết tác phẩm. Thành thực mà nói thì đọc xong chỉ hiểu mang máng cốt truyện và có một cảm giác khó diễn đạt nên lời. Giờ đây, khi đọc lại cuốn sách một lần nữa, tôi hoàn toàn bị ấn tượng bởi sự xuất chúng của thiên tài văn chương này.
Tình cuồng kể về chuyện tình của nhân vật nam chính, xưng “tôi”, và cô gái hơn cậu vài tuổi vừa thành hôn – Marthe Grangier. Bị tình yêu đầu đời cùng những thứ vừa rồ dại vừa đẹp đến cuồng si của Tuổi trẻ cuốn lấy, đôi tình nhân hiện ra trên trang sách với vô số cung bậc tình cảm khác nhau.
Cuốn sách rất mỏng nhưng nội tâm các nhân vật lại cực kì đầy. Thật sự khó tin khi biết rằng, tác giả viết Tình cuồng trong khoảng thời gian ông từ mười sáu đến mười tám tuổi. Những trường đoạn nhân vật “tôi” bày tỏ, diễn giải lòng mình cũng như suy đoán về tâm lý các nhân vật khác xung quanh cậu thể hiện sự am tường sâu sắc của nhà văn đối với con người.
Chúng ta sẽ thấy trong tình yêu của chàng trai với Marthe sự đẹp đẽ thuần khiết, sự đam mê cuồng dại, sự ghen tuông trẻ con, sự gian dối tinh quái và cả sự nhẫn tâm ích kỷ. Trong chàng trai ấy, ngập tràn mâu thuẫn. Có lúc cậu mong người chồng của Marthe chết trên sa trường để cậu khỏi phải giết anh ta, lúc khác cậu lại bị cắn rứt đến mức ép buộc Marthe, bắt nàng viết những lá thư tình ngọt ngào cho chồng mà nội dung do chính cậu đọc, có lúc cậu lại chìm trong niềm hạnh phúc dịu dàng những muốn kể hết cho anh ta nghe về tình yêu của mình rồi cả hai sẽ cùng yêu thương Marthe. Cậu vừa là một bạo chúa độc đoán trong tình yêu phút trước, lại biến thành kẻ van xin chút vụn tình yêu phút sau. Cậu nhạy cảm, hiểu biết, lãng mạn, chân thành, khao khát tự chủ giữa cuộc đời, thế nhưng, chính cậu cũng ý thức được rằng, mình chưa là người lớn.
Chúng tôi là những đứa trẻ đứng trên một chiếc ghế, tự phụ cao hơn người lớn được một cái đầu. Những hoàn cảnh rút chúng tôi lên, nhưng chúng tôi vẫn không tài nào xê dịch được. Và nếu, ngay trong sự thiếu kinh nghiệm của chúng tôi, một vài điều phức tạp có vẻ đơn giản với chúng tôi, và ngược lại, những điều thật đơn giản trở thành những chướng ngại vật.
.
Tâm lý nhân vật biến đổi đa dạng và chuyển nhịp tự nhiên, giống như Raymond Radiguet đã nắm được rõ cái cốt lõi trong tâm lý con người để từ đây làm nhân vật của mình sống dậy với sự đa diện trong suy nghĩ của một người sống thực sự.
Bên cạnh đó, Tình cuồng có nhiều đoạn cô đọng những chân lý sống do nhân vật nam chính rút ra từ cuộc tình đã sớm đẩy cậu trở nên già trước tuổi. Cậu, hay nói cách khác, chính Raymond Radiguet, đã thể hiện một sự tinh tế đặc biệt trong cách nhìn và giải thích về cuộc sống ngay từ khi tuổi đời hẵng còn quá trẻ. Có lẽ chính vì thế, nhiều người đã cho rằng tác phẩm dựa trên chuyện đời tư của nhà văn. Tuy nhiên, Radiguet đã bác bỏ sự suy đoán này :
“Cuốn tiểu thuyết ái tình nhỏ bé này không phải là một lời thú tội và nhất là khi nó càng có vẻ là một lời thú tội như thế. Có một thói xấu rất người là chỉ tin ở sự thành thực của kẻ tự kết tội mình; thế mà, tiểu thuyết vốn đòi hỏi một sự khởi phục hiếm có trong đời sống thực, nên điều tự nhiên là chính một tự truyện giả hiệu lại có vẻ là tự truyện thực nhất.”