“Bể trăng côi” là cuốn truyện dài mới nhất của Huỳnh Trọng Khang. Câu chuyện được kể theo lối song tuyến: Một nhà sư trẻ rời chùa tìm đến núi Sa Mạo theo nguyện vọng của sư phụ nhưng bị kẹt giữa thành phố giữa cao điểm dịch bệnh. Vị sư Huyền Trang ở Đại Đường xa xưa đang trên đường thỉnh kinh với những kiếp nạn, một Huyền Trang đại sư không phải trong tưởng tượng của Ngô Thừa Ân mà là trong hình dung của Huỳnh Trọng Khang. Hai nhà sư, hai bối cảnh thời gian không gian khác nhau nhưng họ đều phải trải qua những kiếp nạn như là định mệnh với sự tương đồng kì lạ và đầy ám ảnh…
Tác phẩm với các nhân vật xưa – nay, xấu – đẹp đang trầm luân giữa các biến cố của đời sống, nhất là trong đại dịch. Dù chọn hướng nội hay hướng ngoại thì các nhân vật đều mãi loay hoay với thân và tâm, với bản chất của hiện hữu. Và dù ở thời không nào, diễn biến câu chuyện theo từng nhân vật đều có những chi tiết khốc liệt, đau buồn và những ám ảnh về dịch bệnh. Song bù lại, với không khí thiền và Phật bàng bạc trong từng câu chữ, cuốn sách vẫn dâng lên cảm giác nhẹ nhàng và từ bi.
Huỳnh Trọng Khang đã chăm chút từ các tựa đề nhỏ của các chương, ẩn chứa nhiều ý tứ và gây sự tò mò cho độc giả như: Tòng địa dõng xuất, Tuyết băng vô tận xứ, Mặc áo, Trên mái địa ngục…
Tác giả Huỳnh Trọng Khang chia sẻ, đại dịch Covid là nguồn cảm hứng để anh viết nên tác phẩm này. Nhờ giai đoạn giãn cách xã hội vì đại dịch mà anh có thể hoàn thành cuốn sách này nhưng cũng nhờ việc viết cuốn sách này mà anh không phát điên trong thời đoạn kinh khủng đó, và anh cũng thấy mình không đứng ngoài một biến thiên.